Bước tới nội dung

Lăng Gia Long

16°21′43″B 107°35′48″Đ / 16,36194°B 107,59667°Đ / 16.36194; 107.59667
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do Minh.sweden (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 22:56, ngày 26 tháng 12 năm 2024 (Kiến trúc). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Lăng Gia Long
Cổng dẫn vào tẩm điện lăng Gia Long
Cổng dẫn vào tẩm điện lăng Gia Long
Map
Vị trí địa lý
Quốc giaViệt Nam
Vị tríphường Long Hồ, quận Phú Xuân, Huế.
Kiến trúc
Kiểu dáng kiến trúcLăng tẩm
Lịch sử và sự quản lý
Ngày xây dựng1814-1820
Người xây dựngGia Long

Lăng Gia Long hay Thiên Thọ Lăng (天授陵), là lăng tẩm của hoàng đế Gia Long (1762–1820), vị vua sáng lập triều Nguyễn. Lăng Gia Long thực ra là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến, nay thuộc địa phận phường Long Hồ, quận Phú Xuân, thành phố Huế.[1]

Lịch sử xây dựng

7 bậc sân tế dẫn lên Bửu thành khu lăng mộ
Bửu phong của hoàng đế Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu
Thềm đá dẫn lên khu tẩm điện
Hai trụ biểu trước lăng vua Gia Long
Cánh cửa bằng đồng ở Bửu Thành

Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất.

Ngày 11 tháng 5 năm 1814 (nhằm ngày 22 tháng 3 Giáp Tuất, năm Gia Long thứ 13), vua cho dựng thọ lăng ở Thọ Sơn, làng Định Môn, để an táng chánh phi của mình là Thừa Thiên Cao hoàng hậu vừa băng hà gần ba tháng trước đó.

Trước đó, vua Gia Long đã hai lần đến thị sát vùng đất này. Lần đầu là khi sửa chữa lăng các chúa Nguyễn và các hoàng hậu của chúa vào năm 1808. Lần thứ hai là khi tìm nơi xây lăng Thoại Thánh để an táng thân mẫu là Hiếu Khang hoàng hậu, cũng do nhà địa lý Lê Duy Thanh thực hiện, đích thân vua chọn huyệt mộ và theo dõi thi công, vào năm 1811.

Vua đã sai hai vị quan Tống Phước Lương (Đô sát ngự sử) và Phạm Như Đăng (thượng thư bộ Hình) lãnh chức sơn lăng sứ (cai quản lăng mộ vua và hoàng hậu), cùng nhà địa lý danh tiếng Lê Duy Thanh (con trai Lê Quý Đôn) đi xem các núi để tìm đất. Bảy lần bói, chỉ có núi Thọ Sơn là tốt. Vua đích thân đến xem thấy đất ấy là "vượng khí chung đúc", các núi quanh chầu về, đúng là "vạn niên cát địa" (đất tốt vạn năm). Vua liền sai hoàng tử thứ tư (sau này là vua Minh Mạng) bói lại lần nữa, được quẻ Dự. Quan thượng thư bộ Lễ Nguyễn Hữu Thận xem quẻ rồi nói: "Tốt lắm", bèn lấy quân dân để làm lăng. Một năm sau, tháng 3 năm 1815, hoàng hậu được an táng tại đây.

Theo Đại Nam thực lục, khi Thừa Thiên Cao hoàng hậu băng hà, vua đã bàn với các đại thần, muốn hợp lăng cả vua và hoàng hậu vào cùng một lăng. Đích thân vua đến tận nơi để chọn chỗ đặt huyền cung (huyệt mộ) cho hoàng hậu và cho mình về sau.[2]

Đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công trong suốt 6 năm. Theo Michel Đức Chaigneau, nhà vua đã suýt thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường. Một trận gió làm sập ngôi nhà mà vua đang trú ngụ, vua Gia Long tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập chân do một thanh xà rơi trúng. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết. Gia Long không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Định Môn, gần nơi xây dựng lăng.

Theo L. Cadière, đơn vị thi công lăng vua Gia Long là đội Sanh Thiết với 300 người, và 274 người của đội lính thủy quân cùng dân làng Phù Bài. Họ được nhận 60 đồng tiền kẽm mỗi ngày. Lăng khởi công xây dựng vào ngày 11-5-1814 và hoàn tất cơ bản vào năm 1820 dưới thời Minh Mạng. Các đời vua về sau đều có sửa sang, tu bổ.[3]

Đến cuối tháng 12 Kỷ Mão (tháng 2 năm 1820), vua Gia Long băng hà. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi chép đầy đủ về nghi thức tang lễ vua Gia Long. Theo đó thì vua Gia Long được an táng vào giờ Dậu (17h chiều), ngày 16 tháng 4 Canh Thìn (nhằm ngày 27 tháng 5 năm 1820).[3]

Kiến trúc

Điện Minh Thành, chính tẩm lăng Gia Long.
Bi đình lăng Gia Long

Từ bờ sông Hương đi vào lăng có con đường rộng hai bên trồng thông và sầu đông cao vút, xanh um, tạo ra một không khí trong mát, tĩnh mịch. Hai cột trụ biểu uy nghi nằm ở ngoài cùng báo hiệu khu vực lăng. Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng rộng lớn. Trước có ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm, bên trái và bên phải có 14 ngọn núi là tả thanh long và hữu bạch hổ. Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt tác về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc.

Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực: phần chính giữa là khu vực lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu; bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện; bên trái khu lăng là Bi đình (nhà bia).

Khu lăng mộ

Trước lăng mộ là 7 tầng sân chầu lát gạch, chính giữa là lối thần đạo lát đá Thanh dẫn lên Bửu thành. Ở tầng sân nền hai bên dựng tượng thị vệ, voi, ngựa (10 người, 2 voi, 2 ngựa), đều bằng đá Thanh.

Bửu phong (mộ) của vua và Thừa Thiên Cao hoàng hậu đặt trong 3 lớp Bửu thành xây gạch, vòng trong 30m, rộng 24m, cao 4,16m; vòng ngoài rộng 31m, dài 70m, cao 3,56m, dày 1m. Bửu phong của vua Gia Long và hoàng hậu có dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm "càn khôn hiệp đức" - một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung. Trước bửu phong có 2 hương án bằng đá. Mặt trước và sau lưng đều có bình phong, cửa ngoài bửu thành làm bằng đồng.

Khu tẩm điện

Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Điện Minh Thành được dùng để thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Minh Thành nghĩa là "sự hoàn thiện rực rỡ". Cũng có một cách giải thích khác là "hoàn thành vào ngày mai", bởi người ta cho rằng: "Sườn của điện này chưa có sơn son thếp vàng và chạm khắc còn đơn giản" (theo L. Cadière). Bên trong điện Minh Thành, ngày trước có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như cân đai, mũ, yên ngựa.

Khu Bi đình

Bên trái khu lăng là Bi đình, bên trong có một tấm bia lớn ghi bài văn bia "Thánh đức thần công" của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo.

Lăng lân cận

Với chu vi lên đến 11.234,40 m, quần thể lăng Gia Long ngoài Lăng Thiên Thọ của Hoàng Đế Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, còn có những lăng hoàng tộc nhà Nguyễn bao gồm:

và các lăng hoàng quyến phụ cận khác:

Đáng chú ý nhất trong đó lăng Thiên Thọ Hữu và lăng Thoại Thánh là có khu tẩm thờ riêng.

Lăng Thiên Thọ Hữu

Lăng Thiên Thọ Hữu
Trụ biểu lăng Thiện Thọ Hữu

Lăng Thiên Thọ Hữu có tên gọi như vậy bởi nó nằm bên phải lăng Thiên Thọ, chỉ cách nhau khoảng 100m. Lăng có hai khu vực kiến trúc: khu vực lăng mộ và khu vực tẩm điện, nằm cách nhau chừng 50 mét theo hàng ngang, ven theo bờ Bắc của phần cuối hồ Dài. Cả hai khu vực này đều nằm trên vùng đồi gọi là Thuận Sơn, nhưng phương hướng của hai khu vực kiến trúc thì khác nhau.

Khu vực lăng mộ quay mặt về hướng Nam nhưng nghiêng nhẹ về phía Tây. Tiền án là núi Rệ có độ cao khoảng 618m. Cận án là núi Ngọc Đường chiều cao khoảng 231m. Minh đường là một mặt hồ hình bán nguyệt được cắt xén và uốn nắn từ hồ Dài. Ngôi mộ được bao quanh bởi hai vòng tường hình chữ nhật khá lớn. Mộ nằm lộ thiên, xây bằng đá Thanh. Phía trước mộ có đặt hương án và bình phong đều xây bằng đá Thanh. Bình phong sau mộ xây bằng vôi gạch, bên trên có mái giả và mặt trước trang trí hình ảnh bát bửu đắp nổi. Hai lá sách ở hai bên bình phong này được trang trí hình đầu rồng ngậm chữ “Thọ”. Trước cửa có 4 tầng sân với những hệ thống tầng cấp và thành bậc chạm nổi hình rồng phụng. Bên kia bờ hồ là hai cột trụ biểu cao khoảng 12 mét, trên đỉnh tạo hình đèn lồng. Sau lưng khu lăng mộ là một ngọn đồi chạy dài theo hướng Nam Bắc giữ vai trò “hậu chẩm” bảo vệ phía sau.

Khu vực điện thờ của lăng Thiên Thọ Hữu nằm trên một ngọn đồi khá cao, dùng núi Ngọc Đường làm tiền án. Công trình kiến trúc chính ở khu vực này là điện Gia Thành (嘉成殿), xung quanh được bao bọc bởi một vòng thành hình chữ nhật cao xây bằng gạch. Mặt trước trổ cửa tam quan hai tầng, trước cửa là những hệ thống bậc cấp bằng đá với các thành bậc cũng bằng đá Thanh chạm hình rồng, nối kết các tầng sân với nhau, chạy xuống đến gần bờ hồ.

Lăng Thoại Thánh

Lăng Thoại Thánh có bố cục và cấu trúc gần giống lăng Thiên Thọ Hữu, gồm 2 phần: khu lăng và khu tẩm thờ. Đây là lăng hoàng thái hậu đầu tiên của triều Nguyễn.

Khu lăng phía trước có hồ vuông (88m x 77m). Bửu phong làm bằng đá Thanh, ngoài có 2 vòng tường thành bảo vệ, vòng trong chu vi 89m, cao 3,4m, vòng ngoài chu vi 138m, cao 3,6m; cửa ngoài kiểu cổng vòm; trước sau đều có bình phong xây gạch che chắn.

Phần tẩm điện nằm trong một vòng thành dài 108m, rộng 63m, cao 3,7m. Điện chính vốn gần giống điện Minh Thành, kiểu nhà kép, mặt nền 25m x 19,5m, trước sau còn có tả hữu tòng viện, tả hữu tòng tự, nhưng tất cả đã đổ nát.[4]

Tham quan

Du khách tổ chức picnic bên Lăng Gia Long

Đến thăm lăng Gia Long, du khách có thể tham quan theo hai đường: đường thủy và đường bộ. Từ Kinh Thành đi đường thủy theo sông Hương thì khoảng 18 km sẽ đến Lăng, Còn đi đường bộ thì khoảng 16 km rồi qua bến đò Kim Ngọc, đi thêm vài cây số đường rừng thì bắt gặp hai Trụ biểu uy nghi nằm ngoài cùng. Trước đây, đó là những cột báo hiệu, nhắc nhở mọi người phải kính cẩn khi đi qua khu vực này và có đến 85 cột như vậy trong quần thể lăng Gia Long. Năm 1859 còn 42 cột và hiện nay du khách chỉ trông thấy 2 cột.

Theo gợi ý của L. Cadière từ hơn 60 năm trước đây, du khách nên viếng lăng Gia Long vào buổi chiều. Đó là thời khắc có thể ngắm cảnh hoàng hôn đang đến từ phía bên kia các hồ nước. Sự phối hợp giữa hồ nước cùng cảnh vật xung quanh, rừng thông sẽ tạo cho người tham quan một cảm giác khó tả. Chính lúc ấy, du khách mới cảm nhận hết vẻ đẹp hùng tráng và kỳ vĩ của khu lăng này. Phong cảnh xinh tươi hòa với nét uy nghi của đồi núi xa xa. Sự khắc khổ tĩnh lặng của cái chết hòa với sự sinh động, nét tuyệt mỹ của thiên nhiên chung quanh.

Trùng tu

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khởi công công trình bảo tồn và tu bổ di tích Thiên Thọ cung - khu vực lăng và tẩm chính của quần thể lăng vua Gia Long, tại xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế vào cuối năm 2007 để đưa vào phục vụ du khách và bảo tồn các giá trị ban đầu. Các hạng mục sẽ tu bổ bao gồm: hệ thống mộ, quách, sân chầu ở khu vực lăng vua và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu; hệ thống tẩm gồm nhà đông - Tây phối điện, Tiền - Hậu cổng, cổng Hữu của Minh Thành điện; nhà Bi Đình cùng hệ thống sân, lan can, tường, kè hồ với tổng kinh phí 13,7 tỷ đồng. Công trình này do Công ty Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương (Bộ Văn hóa - Thông tin) đảm nhận.

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ “Lăng Hoàng đế Gia Long (Thiên Thọ Lăng)”. Cổng thông tin điên tử Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2024.
  2. ^ “Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ lăng - Kỳ 1: Giấc ngủ nghìn thu giữa trùng sơn”. Tuổi Trẻ Online. 1 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2024.
  3. ^ a b “Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ Lăng - Kỳ 3: 'Ngôi nhà' đặc biệt và nghi vấn táng lộ thiên”. Tuổi Trẻ Online. 3 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2024.
  4. ^ “Lăng tẩm Hoàng gia thời nhà Nguyễn tại Huế (phần 2): Lăng tẩm của các hoàng đế, lăng tẩm của các Hoàng hậu”. danviet.vn. 12 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2024.

Liên kết ngoài