Bước tới nội dung

Bào Tín

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bào Tín
Binh nghiệp
Nguyện trung thànhnhà Hán
Cấp bậcPhá Lỗ tướng quân
Tham chiến
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
152
Nơi sinh
Tân Thái
Mất
Ngày mất
192
Nơi mất
Đông Bình
Giới tínhnam
Gia quyến
Anh chị em
Bào Thao
Hậu duệ
Bào Huân
Nghề nghiệpsĩ quan quân đội
Quốc tịchĐông Hán

Bào Tín (chữ Hán: 鲍信; 152-192) là tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Thời trẻ

[sửa | sửa mã nguồn]

Bào Tín là là cháu 8 đời của quan Tư Lệ hiệu úy Bào Tuyên nhà Hán. Con nối của Bào Tuyên từ Thượng Đảng chuyển đến quận Thái Sơn, rồi ở đó. Cha Bào Tín là Bào Đan là người nổi tiếng là bậc nho nhã, làm quan đến chức Thiếu phủ Thị trung nhà Đông Hán.

Bào Tín thời trẻ có khí tiết lớn, khoan hậu nhân ái, thâm trầm quả quyết có mưu kế. Gia phong Bào Tín vốn nề nếp, giữ mình cần kiệm hết mực[1].

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Bào Tín được ngoại thích Đại tướng quân Hà Tiến làm phụ chính của Hán Thiếu Đế phong làm Kỵ đô úy, phái về bản quận mộ binh. Bào Tín theo lệnh đi mộ được hơn 1000 người, lúc quay về đến Thành Cao thì Hà Tiến đã bị hoạn quan giết hại. Bào Tín đến kinh đô Lạc Dương, Đổng Trác cũng vừa tới nơi. Tín biết Đổng Trác tất làm loạn, khuyên Viên Thiệu đánh úp Trác[1], nhưng Viên Thiệu sợ Trác không dám phát động.

Đổng Trác thao túng triều đình, phế Thiếu Đế lập Hiến Đế. Bào Tín bèn dẫn quân quay về quê tập hợp lực lượng chống lại. Bào Tín nuôi dưỡng hậu đãi tướng sĩ, trong nhà không có của cải dư thừa, kẻ sĩ vì thế theo về. Ông thu gom được hai vạn người, 700 quân kỵ, xe truy trọng hơn 5000 cỗ. Năm 190, chiến dịch chống Đổng Trác bùng nổ, Tào Tháo mới khởi binh ở Kỷ Ngô, Bào Tín cùng với em trai là Bào Thao đem binh hưởng ứng Tào Tháo.

Tào TháoViên Thiệu dâng biểu xin cho Bào Tín làm hành Phá lỗ tướng quân, Bào Thao làm Tì tướng quân. Bấy giờ lực lượng của Viên Thiệu rất đông, kẻ hào kiệt đa phần hướng về họ Viên. Tuy nhiên, Bào Tín bảo Tào Tháo rằng:

"Kẻ có trí lược chẳng kể xuất thân, người có thể thâu gồm kẻ anh hùng để dẹp trừ họa loạn quay về chính đạo, là ngài vậy. Nếu chẳng phải là người được như thế, dẫu có cường mạnh tất cũng thất bại. Ngài chỉ nên đợi thời mà hành động!"

Rồi ông ngầm tự thân giao kết với Tào Tháo, được Tào Tháo yêu quý khác thường.

Bào Tín và Tào Tháo cùng tham gia đánh Đổng Trác, bị thất bại ở Biện Thủy, Bào Tín bị thương còn Bào Thao tử trận ở chiến trường.

Sau đó chư hầu đánh Đổng Trác tan rã, Viên Thiệu cướp đoạt lấy chức thứ sử của Hàn Phức, rồi chiếm cứ Ký Châu. Bào Tín nói với Tào Tháo rằng:

"Kẻ gian thần lợi dụng cơ hội, khuấy động vương thất, anh hùng hào kiệt nổi lên đối kháng, người trong thiên hạ hưởng ứng, đó là nghĩa vậy. Nay Thiệu làm minh chủ, lại lợi dụng quyền lực mưu lợi riêng, trong tương lai sẽ phát sinh biến loạn, thế là lại có một Trác nữa vậy. Nếu ta ngăn chặn hắn, thì về lực chẳng thể khắc chế được, chỉ làm cho ta gặp khó, làm sao có thể giúp đời? Ta nên tạm vạch bờ cõi ở phía nam Đại Hà, để đợi họ sinh biến."

Tào Tháo khen kế ấy. Sau đó Tào Tháo làm Thái thú Đông Quận, dâng biểu xin cho Bào Tín làm Tế Bắc tướng. Năm 192, đại quân Hoàng Cân xâm nhập địa giới Duyện châu, thứ sử Duyện châu là Lưu Đại muốn cùng giao chiến. Bào Tín ngăn lại, khuyên không nên đối đầu trong lúc địch đang mạnh. Lưu Đại không theo, sau đó bị thất bại và tử trận[1].

Bào Tín và mọi người suy tôn Tào Tháo làm Thứ sử Duyện châu thay cho Lưu Đại. Tào Tháo thấy quân Khăn Vàng cậy thắng sinh kiêu, muốn đặt kỳ binh dụ họ ra đánh ở Thọ Trương. Trước tiên Tào Tháo cùng với Bào Tín đi ra chiến địa, sau đó bộ quân chưa tới mà bỗng nhiên gặp quân Khăn Vàng, bèn tiếp chiến. Bào Tín liều chết giao chiến để cứu Tào Tháo. Tào Tháo nhờ lúc quân Khăn Vàng bị vỡ vòng vây thoát ra được, còn Bào Tín bị hãm trong trận và tử trận[1].

Bào Tín tử trận khi 41 tuổi. Năm 212, Tào Tháo truy công lao của Bào Tín, bèn dâng biểu phong cho con là Bào Thiệu tước Tân Đô đình hầu. Con thứ của Bào Tín là Bào Huân sau trở thành đại thần nhà Tào Ngụy.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]